.

Hoàng Lập Ngôn – Họa sĩ kiêm nhà thơ lãng mạn Việt Nam

Hoàng Lập Ngôn – Họa sĩ kiêm nhà thơ lãng mạn Việt Nam


  • Tên thật: Hoàng Lập Ngôn

  • Ngày sinh: 1910 tại Hà Nội

  • Ngày mất: 16 tháng 3 năm 2006

  • Phong cách nghệ thuật: Họa sĩ kiêm nhà thơ nghiệp dư lãng mạn

  • Các tác phẩm chính: Ngây thơ, Thiếu nữ Việt Nam, Phùng quán, Kim cương.


Họa sĩ Hoàng Lập Ngôn


Họa sĩ Hoàng Lập Ngôn quê Bắc Ninh, nguyên là sinh viên khóa 9 Trường Mỹ thuật Đông Dương cùng bạn đồng niên Trần Văn Cẩn. Hoàng Lập Ngôn ngoài tài vẽ tranh còn làm thơ. Một buổi tối mùa xuân năm 1939, trời se lạnh, trong căn nhà ở khu phố người Hoa tại Hà thành có một cậu thanh niên tên Ngôn mới tốt nghiệp Mỹ thuật Đông Dương. Cậu đến để hỏi vợ. Thời ấy, hầu như không gia đình người Hoa nào muốn gả con gái cho người Việt vì họ muốn sống khép kín trong cộng đồng của mình. Ông bố cô gái người Hoa đã đùng đùng giận dữ, ném chiếc chén uống nước xuống sàn nhà rồi trỏ vào những mảnh vỡ, nói: “Tôi mà gả con gái cho cậu, đời tôi sẽ như chiếc chén này”. Cậu thanh niên đến hỏi vợ cũng ngang tàng chả kém. Anh ném cái ấm vỡ tan và nói: “Tôi mà không lấy được con gái ông, đời tôi cũng như cái ấm nước này”. Ông bố cô gái phải chịu thua, thế là Hoàng Lập Ngôn có vợ.



Tác phẩm Điệu múa Tây Nguyên, lụa (1963)


Thực ra, tính khí ngang tàng đã có trong Ngôn từ lâu. “Thằng này tính khí động quá, không theo nghề gia truyền được”, cha luôn than phiền như vậy mỗi khi có ý định truyền lại nghề bốc thuốc chữa bệnh cho cậu. Biết con thích thi hoạ, ông hết lời khuyên can con từ bỏ nghề “bạc bẽo” đó. Can không được, ông đành gửi cậu sang trọ học ở nhà họ Dương, một dòng họ nổi tiếng về nghề dạy học, nơi đã sản sinh những bậc kỳ tài như Dương Quảng Hàm, Dương Bích Liên… Hoàng Lập Ngôn trọ học ở đó cho đến khi thi vào trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1934.



Chân dung nữ nghệ sỹ Kim Cương, ký họa Hoàng Lập Ngôn, mực nho trên giấy


Tốt nghiệp trường vẽ rồi lấy người mình vẽ chân dung làm vợ, Hoàng Lập Ngôn khoái lãng du tới mức đóng một chiếc xe như một căn nhà gọi là “Nhà lăn Mê-ly” và quyết chí độc mã đi xuyên bán đảo Đông Dương để tìm cảm hứng vẽ và làm thơ. Nhắc đến Hoàng Lập Ngôn, người ta nhớ đến huyền thoại về chàng họa sĩ của chủ nghĩa xê dịch. Từ năm 1941 đến 1944, ông đã tự đóng một cỗ xe ngựa với mong muốn rong ruổi khắp xứ Đông Dương. Chuyến đi ấy vừa để thỏa mãn cuộc sống phiêu du bất định, vừa cho ông biết bao nhiêu thực tế sáng tác. Với chiếc xe ngựa đầy chữ ký của văn nghệ sĩ, vợ con ông và cùng 2 người bạn trẻ Song Văn và Dương Bích Liên đã rong ruổi Bắc Nam. Dọc những chuyến đi ấy chính là những cuộc triển lãm tranh, diễn kịch để kiếm tiền. Chuyến xe họa sĩ giống như một gánh xiếc rong vậy. Hoàng Lập Ngôn vẽ dọc đường rồi bán vé cho mọi người vào xem “triển lãm tranh”. Tranh còn đổi được tiền, được thức ăn. Ai ưng bức nào, bán ngay bức đó lấy tiền đổi gạo, mắm muối.



Vũ Đình Long. Ký họa Hoàng Lập Ngôn


Hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông xắn tay cùng anh em họa sĩ lập Trường Mỹ thuật Công nghiệp và Mỹ thuật Yết Kiêu rồi tham gia giảng dạy ở đó. Năm 1964, chiến tranh phá hoại miền Bắc bước vào giai đoạn ác liệt, một lần nữa máu “xê dịch” lại khiến ông lọc cọc xe đạp cà tàng khắp miền Bắc để vẽ, để tìm hiểu cuộc sống. Khi hai miền thống nhất, bạn bè lại thấy ông khi đầu Bắc, lúc đầu Nam.



Hồ-Dzếnh qua nét vẽ của họa sĩ Hoàng Lập Ngôn


Ở nước ta, họa sĩ vẽ chân dung không phải là hiếm, nhưng vẽ chân dung một người mẫu trong trí nhớ thì đấy là một giai thoại độc đáo về Hoàng Lập Ngôn. Người mẫu đó là bà Nhung – em gái họa sỹ Dương Bích Liên – Học trò khóa áp chót của Trường Mỹ thuật Đông Dương thuộc bộ tứ nổi tiếng “Sáng – Nghiêm – Liên – Phái”. Ông Ngôn quen bà Nhung từ khi bà còn là một thiếu nữ những năm trước cách mạng và ông đã có ý định vẽ chân dung bà từ lâu. Nhưng chiến tranh, can qua khiến bà Nhung sang ở hẳn đất Pháp. Và để thực hiện ý định của mình, Hoàng Lập Ngôn vẫn vẽ chân dung bà Nhung bằng trí nhớ. Bây giờ, khi bà Nhung đã qua đời, bức tranh “Em Nhung” vẫn còn giữ nguyên nét đẹp của bà vĩnh cửu với thời gian. Nếu Nguyễn Phan Chánh là người đặt ấn tượng về tranh lụa, Nguyễn Gia Trí đặt ấn tượng tranh sơn mài Việt Nam thì Hoàng Lập Ngôn là người đặt ấn tượng cho một thể loại tranh. Đó là “tinh tướng họa”.



Họa sĩ Hoàng Lập Ngôn trước chân dung bà Nhung. Ảnh Nguyễn Đình Toán


Là một trong số ít những họa sỹ cuối cùng của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương còn sống cho đến thế kỷ này, Hoàng Lập Ngôn thể hiện cho một tính cách lạc quan, dám sống và đam mê cuộc sống với lòng hoan hỷ tự thân. Dẫu vậy thì ngay cả hội họa cũng không phải là quan trọng nhất, ông vẽ cũng không nhiều, các tác phẩm không chau chuốt cầu kỳ, không phải là những bức sơn dầu, sơn mài đồ sộ mà chủ yếu là những nét chì điểm chút thuốc nước trên một tờ giấy. Điều quan trọng là ông đã sống, đã chứng kiến với sự tự do tự tại như trời ban cho người nghệ sỹ.



Chân dung Thy Ngọc của họa sĩ Hoàng Lập Ngôn



Hoàng Lập Ngôn – Họa sĩ kiêm nhà thơ lãng mạn Việt Nam
Hoàng Lập Ngôn – Họa sĩ kiêm nhà thơ lãng mạn Việt Nam Reviewed by Unknown on 10:46 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Phát triển bởi iZdesigner Team

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.