Làm Sao Để Có Được Những Bức Ảnh Đẹp Chất Lượng HDR
HDR (Hight Dynamic Range) là kỹ thuật xử lý để có những tấm ảnh số giao thoa giữa thực và ảo.
Nhiều khi chúng ta chụp xong một bức ảnh, đem cho bạn bè xem nhưng vẫn phải kèm theo câu nói "thực tế ở đó thì đẹp hơn ảnh này nhiều". Ý bạn muốn nói rằng thực tế đã không được ghi nhận giống như mắt mình nhìn thấy.
Do cấu tạo của mắt người, chúng ta đã nhanh chóng điều chỉnh sự cảm nhận ánh sáng để có thể nhìn thấy chi tiết trong tối và chi tiết cả ở vùng sáng bằng cách co dãn đồng tử, còn máy ảnh thì chỉ có thể thực hiện được điều này sau mỗi lần chụp khác nhau.
Ví dụ, trong một ngày nắng, mắt bạn có thể vừa nhìn thấy trời xanh, mây trắng, nắng vàng, vừa nhìn thấy chi tiết của những tán cây bên đường. Còn nếu dùng máy ảnh chụp được chi tiết vùng mây thì ta thấy cây bên đường chỉ là những đám đen.
Bạn nên xem trước bộ ảnh HDR Florida tuyệt vời của Kim Seng
Một bức ảnh được xử lý HDR nhìn nửa ảo nửa thực rất ấn tượng |
HDR là khái niệm dùng để chỉ sự khác biệt cao nhất giữa vùng sáng và vùng tối mà các thiết bị có thể ghi nhận hoặc thể hiện lại. Một trong những hạn chế của máy ảnh số là nó chỉ có thể ghi lại hình ảnh với một "dynamic range" khá hẹp (dynamic range được hiểu là sự khác biệt cao nhất giữa vùng sáng và vùng tối mà các thiết bị có thể ghi nhận hoặc thể hiện lại).
Trên thực tế, khi bạn đứng trước một khung cảnh đẹp với những vùng sáng tối rất khác biệt, mắt bạn có thể tự điều tiết để ghi nhận được một hình ảnh chi tiết và ấn tượng hơn nhiều những gì chiếc máy ảnh làm được trong một bức hình.
Tuy nhiên, máy ảnh có thể chụp rất nhiều hình của cùng một đối tượng với độ phơi sáng khác nhau. Vậy nên bạn có thể điều chỉnh độ phơi sáng thích hợp riêng với vùng ảnh sáng, rồi ở một tấm ảnh khác, lại chọn độ phơi sáng phù hợp nhất với riêng vùng ảnh tối, thêm một thiết lập nữa cho vùng ảnh có độ sáng trung bình. Bạn có thể chụp 3 tấm khác nhau hoặc nhiều hơn, sau đó dùng phần mềm chuyên dụng để kết hợp chúng lại nhằm tạo nên một bức ảnh hoàn chỉnh, truyền tải đầy đủ và chi tiết vẻ đẹp của quang cảnh mà bạn thấy.
Hiện nay, có rất nhiều những phần mềm có thể giúp bạn mô phỏng một bức ảnh HDR, trong đó có cả Photoshop. Tuy vậy, trong bài viết này, Blog Designer xin giới thiệu một phần mềm ít người biết tới hơn, nhưng lại được đánh giá là đem lại hiệu quả ấn tượng hơn khá nhiều, đó là Photomatix Pro.
Trước hết, để chụp hình chuẩn bị cho xử lý HDR, lý tưởng hơn cả là bạn có thể chụp 1 loạt hình ảnh từ vị trí và các tùy chỉnh giống hệt nhau, trừ độ phơi sáng, bằng cách sử dụng chân máy để giảm tối đa sự sai khác về góc chụp giữa các bức ảnh. Trên thực tế, bạn cũng có thể tạo ra một bức hình HDR chỉ từ một file gốc, và bạn sẽ buộc phải làm như vậy với các trường hợp như chụp một đám đông đang di chuyển chẳng hạn. Tuy vậy, tốt nhất thì khi có thể bạn nên chụp nhiều tấm với độ phơi sáng khác nhau.
Bạn có thể tài phiên bản dùng thử của Photomatrix Pro 3 từ địa chỉ www.hdrsoft.com và cài đặt. Nếu bạn chưa có những hình ảnh thích hợp để thử nghiệm chương trình, bạn có thể dùng một số bức có sẵn trên Blog Designer trong chuyên mục Wallpaper Hàng Ngày. Và đây là các bước thực hiện:
Bước 1
Chạy Photomatrix Pro 3, chọn Generate HDR image. Chọn loạt ảnh mà bạn đã chuẩn bị, nhấn Ok. Bạn có thể dùng 3 hình hoặc nhiều hơn. Chương trình có thể đọc được định dạng file DNG nên bạn cũng có thể dùng trực tiếp ảnh mà không cần chuyển đổi (convert).
Bước 2
Trên hộp thoại, bạn chọn Align the images nếu thấy giữa các ảnh còn có một chút sự sai lệch vị trí. Bên cạnh đó bạn cũng có thể chỉnh White Balance setting (cân bằng trắng). Phần mềm cũng cung cấp cho bạn tùy chọn Reduce ghosting artifacts (hiệu ứng có thể xảy ra nếu có những cử động giữa các bức ảnh, như là có người đi qua chẳng hạn). Sau đó, nhấn Ok và đợi chương trình chạy.
Bước 3
Tới bước này, ảnh kết quả vẫn chưa thực sự tốt như mong đợi. Bạn có thể lưu lại ảnh tại điểm này bằng cách chọn File > Save As và lưu ảnh dưới định dạng .hdr. Như vậy, sau này bạn có thể tạo ra một ảnh HDR khác từ file nguồn này.
Bước 4
Chọn Tone Mapping, bạn sẽ bắt đầu thấy bức hình của mình nhìn có tiến triển hơn. Click Show Original để so sánh ảnh sau khi Tone mapping với ảnh gốc. Bạn sẽ thấy khá rõ sự tăng cường về chi tiết ở các vùng sáng tối trong ảnh.
Bước 5
Để tạo một hiệu ứng đẹp mắt và "siêu thực" hơn, ở Smoothing options, bạn nên để 1 giá trị tương đối thấp. Nếu số càng thấp, ảnh trông sẽ càng "siêu thực" hơn, và ngược lại, khi bạn tăng giá trị này lên, trong hình ảnh sẽ thật hơn. Chỉnh Strength downwards cũng giúp bạn giữ được tính "thật" của ảnh, nếu đó là điều bạn muốn.
Bước 6
Dùng thanh kéo Color Saturation để chỉnh độ bão hòa màu và Luminosity để chỉnh độ sáng tổng thể của hình.
Bước 7
Ngoài ra, còn một số tùy chỉnh sẵn có bạn có thể chọn từ danh mục Presets như Painterly, Grunge, Natural và Smooth Skies. Hãy thử nghiệm để biết hiệu quả của chúng!
Bước 8
Khi bạn đã đạt được hiệu ứng mình mong muốn, chọn Process để xử lý ảnh theo các thiết lập vừa chọn. Sau khi có ảnh kết quả, chọn File > Save As để lưu ảnh. Bạn có thể kết hợp dùng thêm Photoshop hoặc các phần mềm chỉnh sửa khác để hoàn thiện hình.
Tâm Vĩnh
Làm Sao Để Có Được Những Bức Ảnh Đẹp Chất Lượng HDR
Reviewed by Unknown
on
21:01
Rating:
Không có nhận xét nào: