.

Làm thế nào để có những tác phẩm nhiếp ảnh đẹp ?

Thế giới mới đang cổ vũ những con người can đảm dám vứt bỏ tất cả để theo đuổi giấc mơ, tất nhiên ở Việt Nam thì quan niệm này vẫn cần một thời gian nữa để những cái đầu bảo thủ, định kiến của một xã hội cũ trở nên phóng khoáng hơn. Ở đây tôi chỉ muốn nhắc bạn rằng chúng ta phải tiếp nhận nó bằng một cái đầu tỉnh táo.

Làm thế nào để có những tác phẩm nhiếp ảnh đẹp ?


Một: ta phải biết mình giỏi cái gì, ví dụ bạn đam mê nhiếp ảnh nhưng không đủ tài năng thì đừng nên cố chấp, ảo tưởng. Thật sự con đường này nó khắc nghiệt hơn chúng ta nghĩ nhiều.

Hai, nỗ lực là quan trọng. Nhưng biết đặt những nỗ lực của mình vào đúng chỗ thì nó mới thực sự thay đổi cuộc sống của bạn. Đừng làm việc trâu bò rồi tự hỏi thành công sao không đến. Hãy làm việc có chiến lược và thông minh để chờ cơ hội cả đời là ta sẽ sẵn sàng nắm lấy. Với nghệ thuật hay nhiếp ảnh cũng vậy thôi, trừ khi bạn muốn mãi cả đời làm anh nghệ sĩ nghèo.

1. Là một con người đẹp trước khi là người chụp ảnh đẹp

Mỗi con người như một giọt nước trong đại dương bao la vô tận, không có điểm bắt đầu và cũng không có nơi kết thúc. Vòng đời của mỗi giọt nước nhỏ bé ấy là một chu kỳ bất tận: nước theo mưa từ mây rơi xuống đất, theo sông chảy ra đại đương, ở đây nước lại bốc hơi tạo thành mây và rơi xuống tiếp thành mưa ở vẫn những đại dương ấy. Đời ta không chỉ của riêng ta mà cùng rất nhiều người khác tạo thành một bản đồ mây khiến cho mọi hành động/quyết định của bạn sẽ còn tác động và ảnh hưởng qua lại mãi về sau.

Vì thế tôi không nghĩ những con người ích kỷ, lúc nào cũng nhìn thấy cái xấu trước cái đẹp có thể ghi lại được vẻ đẹp của thế giới bằng ảnh. Chúng ta cần tình yêu gia đình, tình yêu tri kỉ và sự bác ái để mở lòng hơn với con người và nhìn họ một cách bao dung, rộng lượng không định kiến. Tôi vốn là một kẻ lãng mạn thực tế và hiểu rõ thế giới chẳng thiếu những điều xấu xa, những kẻ khốn nạn, bẩn thỉu – nhưng tôi cũng biết rằng những gì tốt đẹp vẫn còn đó, và những thứ tiêu cực đó sẽ chẳng làm gì được mình một khi tôi còn những chỗ dựa tinh thần thật sâu và vững chãi.

Ảnh đã thay đổi và làm tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Nó giúp tôi cảm thấy yêu cuộc đời, yêu người, trân trọng thế giới hơn. Có những thứ trước tưởng nhỏ bé vớ vẩn nay nhìn dưới một lăng kính khác, ngang dọc sáng tối, xa gần góc độ lại trở nên thật đặc biệt.

2. Sáng tạo

Với những con người hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật như là văn học, nhiếp ảnh, điện ảnh, hội họa… thì một trong những yếu tố then chốt cho sự thành công lâu dài là cách suy nghĩ sáng tạo không đi vào lối mòn. Tôi vẫn nghĩ sáng tạo không phải thứ vô tận hay tự sinh mà có, thiên tài bẩm sinh liệu được bao nhiêu người? Cái khả năng trời cho ấy là một phần nhưng cũng nhờ cả học hỏi, luyện tập và kinh nghiệm bồi đắp thêm đấy. Ai trong chúng ta cũng có sự sáng tạo dù ít dù nhiều, câu hỏi đặt ra là làm sao để sử dụng được nó một cách nhiều nhất. Vì như ta thấy chẳng cần đi đâu xa, những cảm xúc, rung động, ký ức, suy tư mang tính trải nghiệm của mỗi cá nhân chính là những tư liệu sáng tạo quý giá nhất.

Làm thế nào để có những tác phẩm nhiếp ảnh đẹp ?

Nói đơn giản là vậy nhưng duy trì nguồn cảm hứng ấy một cách lâu dài chẳng phải dễ. Những nghệ sĩ luôn phải nuôi dưỡng bản thân mình từ bối cảnh, cuộc sống xung quanh, từ những huyền thoại trong lịch sử hay các ngành nghệ thuật khác. Tôi có bên mình một cuốn sổ tay gọi là “The Idea Book” – nơi tôi ghi mọi ý tưởng thô ráp nảy ra trong đầu mình vào đó: một giấc mơ điên rồ, một chút ngẫu hứng khi đang mơ màng ngoài đường, những giây phút lên đồng xuất thần… Tất nhiên sau đó là cả một chặng đường dài để hoàn chỉnh nó.

Và này, bạn đừng hỏi tôi làm thế nào để sáng tạo! Đó là cả một bài tiểu luận rất rất dài khác , nếu có thể tôi khuyên bạn nên đọc những cuốn sách này:

‘Imagine: How Creativity Works’ – Jonah Lehrer
‘Right Brain/Left Brain Photography: The Art and Technique of 70 Modern Masters’ – Kathryn Marx
‘Lateral Thinking’ -Edward De Bono
‘Creativity: Flow And The Psychology Of Discovery And Invention’ – Mihaly Csikszentmihalyi
‘On Writing: A Memoir Of The Craft’ – Stephen King
‘The Book Of Doing: Everyday Activities To Unlock Your Creativity And Joy’ – Allison Arden
‘The Idea Book’ – Fredrik Haren
‘The Creative Habit: Learn It And Use It For Life’ - Twyla Tharp

3. Năng lượng của niềm đam mê

Tôi yêu những con người lúc nào cũng tràn đầy năng lượng nhiệt huyết. Trong họ như có một mặt trời bé con, tỏa ra thứ năng lượng ấm áp và rực rỡ – ở bên cạnh cái nguồn năng lượng tích cực trong từng lời nói, từng hành động, từng cử chỉ ngôn ngữ cơ thể ấy làm ta khó có thể sống một cách tiêu cực.
“Đôi lúc ánh sáng trong cuộc đời ta lịm tắt, và được nhen nhóm lại bởi tia lửa của một ai đó. Mỗi chúng ta phải nghĩ tới những người đã đốt lên ngọn lửa trong ta với lòng biết ơn sâu sắc.” – Albert Schweitzer.

Tôi muốn sống cạnh những người như thế và tôi cũng có khát khao khiến những người xung quanh mình cảm nhận được điều tương tự. Chúng ta là những người trẻ tuổi của thế giới mới, vậy thì hãy sống hết mình đi vì chẳng có ai già hơn những người đã sống cạn bầu nhiệt huyết. Có ước mơ, tham vọng mà không có đam mê nhiệt huyết thì nó sẽ vẫn mãi chỉ là giấc mơ. Tôi tin tưởng rằng trên con đường tới mục tiêu cả đời của chính mình còn rất nhiều vô vàn cam go chướng ngại khác nữa, nhưng tôi cũng biết không ai có ngọn lửa đang bùng cháy mạnh mẽ dữ dội đến thế như trong mình.

4. Cá tính và phong cách

Trong một thế giới đầy rẫy tài năng và sức mạnh của truyền thông như hiện tại thì chỉ giỏi không là chưa đủ. Việc gì cũng vậy và nhất là nghệ thuật – cái gọi là cá tính và phong cách nhiều khi nó còn quan trọng hơn định nghĩa “giỏi”. Chụp đẹp theo kiểu ai cũng làm rồi thì cũng chẳng làm bạn nổi bật lên được. Hoặc là bạn chụp những cái mới chưa ai chụp, hoặc bạn chụp những cái cũ nhưng theo cách riêng độc nhất vô nhị của mình. Đặt con người thật của mình vào đó và biến hóa, đừng giả tạo, đừng phô diễn, đừng khoa trương. Chỉ có thể mới làm khán giả đồng cảm với những cảm xúc của chính mình.

Làm thế nào để có những tác phẩm nhiếp ảnh đẹp ?

Tôi không chụp lại những gì tôi nhìn thấy. Tôi chụp những gì mình cảm nhận được bằng trái tim, khối óc. Vì thế tôi chẳng cố gắng làm vừa lòng tất cả – kết cục duy nhất của việc làm hài lòng tất cả đó là ta kết thúc với một thứ làng nhàng mờ nhạt. Đời quá ngắn ngủi cho những thứ đó nên chụp làm sao để họ nhận ra mình giữa hàng triệu triệu bức ảnh được tạo ra mỗi ngày.

Câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để tìm và định hình phong cách của mình một cách nhất quán? Câu hỏi này tưởng dễ mà khó, tưởng khó mà dễ vì nó chẳng có một câu trả lời rập khuôn công thức.

Chẳng ai có thể giúp bạn – muốn tìm thì phải tự kiếm, thử tất cả xem mình thích gì là cách đơn giản nhất. Chúng ta có cả đời để đam mê thì tiếc gì một chút phong lưu. Hoặc bạn cũng có thể thử cách này như tôi đã từng làm: chọn và lưu lại 100 bức ảnh bạn thích nhất vào trong một thư mục. Lấy một tờ giấy trắng và liệt kê 100 từ bạn thích ở những bức ảnh đó ra – giữ tờ giấy ấy thật kĩ vì đó là kim chỉ nam cho phong cách của bạn: chân dung nữ, ánh sáng tự nhiên, váy, trang phục ngày xưa, màu sắc rực rỡ…

5. Làm chủ ánh sáng

Mỗi ngành nghệ thuật có khác gì một thứ ngôn ngữ, muốn giỏi thì phải kiểm soát ngữ pháp hoàn hảo. Ngữ pháp của hội họa là những nét cọ, còn các nhiếp ảnh gia bậc thầy đều là những phù thủy về ánh sáng.

Nhiều người chụp ảnh thời nay có cái nhìn lệch lạc về ánh sáng trong nhiếp ảnh. Không, ánh sáng không phải mấy con số vô tri giác hiện lên trên màn hình LCD như ISO, khẩu độ, tốc độ. Ánh sáng cũng chẳng phải cách anh dùng thành thạo mấy cái đèn trong studio. Cùng một chiếc máy với thông số khác nhau chụp ở địa điểm, thời gian, chủ thể, góc độ khác nhau thì kết quả chẳng bao giờ giống nhau. Vứt quách mấy con số đó đi! Không nắm được cái cốt lõi bản chất thì ta mãi chỉ là con vẹt giỏi bắt chước mà thôi.

Vậy học về bản chất thực sự của ánh sáng là cái gì? Hướng, cường độ, tính chất, tương phản, cân bằng trắng, khúc xạ phản xạ, trực tiếp hay khuếch tán, khả năng hấp thụ và phản xạ ánh sáng của chủ thể phụ thuộc thế nào vào chất liệu, màu sắc, thuộc tính bề mặt, tác động của từng loại ánh sáng lên cảm giác và thị giác… Quá trình suy nghĩ là như vậy đó, chứ liệu ba cái thông số kia ta biết được thì có ích lợi gì?

Kinh nghiệm của tôi trước mỗi buổi chụp hình hai, ba tuần là bao giờ cũng phải đi “thực địa” chỗ chụp chán chê, ngồi đó ngắm nhìn quan sát đủ kiểu, tưởng tượng vào giờ này hôm đó ánh sáng đi từ đâu đến, mạnh hay yếu, trực tiếp hay khuếch tán vì có mây, mẫu đứng ở đâu, quay về hướng nào, mặc đồ màu gì, chất liệu vải hấp thụ/phản xạ ánh sáng nhiều hay ít, cần thêm đèn hay tản sáng phụ trợ hay không… Đúng vậy đấy, nhìn một bức ảnh đẹp, người khờ sẽ hỏi chụp bằng máy gì, người bình thường sẽ hỏi chụp thông số như thế nào và người thông minh sẽ quan tâm xem ảnh chụp ở đâu, lúc mấy giờ, cách xử lý ánh sáng ra sao.

6. Mở rộng hiểu biết

Như Ansel Adams đã nói: “Chúng ta không chụp ảnh chỉ bằng cái máy ảnh. Chúng ta đưa vào nhiếp ảnh những quyển sách từng đọc, những bộ phim từng xem, những bài hát từng nghe và những con người ta yêu.”

Tạo nên các tác phẩm của người nghệ sĩ nhiếp ảnh là con mắt nhạy cảm, tri thức rộng lớn, sự kiên nhẫn và những kĩ năng chứ không phải là những dụng cụ mà anh ta sử dụng. Mọi người hay hỏi là tôi dùng máy ảnh gì. Máy ảnh không phải là thứ quan trọng, quan trọng là cái thứ đằng sau nó. Hãy yên tâm rằng chiếc máy ảnh tốt nhất là thứ bạn có trong tay. Có những khoảnh khắc thần kỳ trong khoảng thời gian một cái chớp mắt chẳng cần đến những chiếc máy đắt tiền cầu kỳ và chắc chắn là không dành cho những con người lúc đó còn đang loay hoay chỉnh sáng tối. Tất nhiên một chiếc máy xịn sẽ giúp ta đạt được mục tiêu dễ hơn một chút, nhưng với đồ nghề rẻ tiền thì cũng làm được thôi dù có phải bỏ thêm tí công sức. Điều quan trọng là: đừng để nó cản trở con đường ta đã chọn.

Cái thời gian băn khoăn về máy móc hay ống kính mới xin hãy dùng để đọc, hãy tìm hiểu về hội họa và điện ảnh – hai nguồn cảm hứng vô tận của những người yêu nhiếp ảnh. Bản thân tôi học hỏi được rất nhiều điều từ các bậc thầy xa xưa: bố cục, ánh sáng, tương phản, màu sắc, đường nét, chủ thể, ý tưởng… Những bậc thầy nhiếp ảnh họ không chỉ chụp ảnh đẹp mà còn tự trang bị cho mình đủ loại kiến thức hữu ích về lịch sử, văn học, âm nhạc, địa lý… Có những người sinh ra đã có khiếu thẩm mỹ, nhưng đa phần nó đến từ một tâm hồn giàu đẹp nhờ thái độ cầu tiến học hỏi. Không có gì là thừa, câu hỏi khôn ngoan ở đây là khi nào thì nó sẽ có ích.

7. Cầu toàn

Hãy là người xem, người bới lông tìm vết khó tính nhất của chính mình. Đừng bao giờ tự hài lòng với chính mình, đừng bao giờ tặc lưỡi “Thế là được rồi” vì ngay cả những người giỏi nhất họ cũng không bao giờ ngừng học hỏi. Tôi thấy thật sự rất đáng sợ khi nhiều con người thích ở trong cái giếng trời của mình, kiêu ngạo, tự phụ vì một chút thành tựu, hư danh hơn là bơi ra ngoài biển lớn và xem thế giới đã làm được những gì và mình đang đứng ở đâu.

Tất nhiên đồng xu nào cũng có hai mặt: cái ta cần khuyến khích là mặt cầu toàn tích cực để đề ra những tiêu chuẩn cao hơn cho mình vươn đến, yêu cầu mình phải tiến bộ hơn mỗi ngày, rằng cho dù có thất bại thì cũng học được gì đó để thất bại tốt hơn những sai lầm trước, chứ không tốn thời gian suy nghĩ, lo lắng về những sai lầm mình có thể mắc phải, hoặc cố thể hiện bản thân thật hoàn hảo một cách giả tạo trước mặt người khác.

8. Quăng mình ra khỏi vòng an toàn

Xây dựng một phong cách nhất quán cho bản thân không có nghĩa là tự giới hạn, gò bó mình trong những phạm vi mình đã biết. Hãy thử làm những cái mới, những thứ ta chưa làm bao giờ.

Tôi biết là bạn cảm thấy bất an cũng giống như tôi vậy, đó là điều bình thường của bản chất con người thôi. Thử thách đấy, sợ hãi đấy nhưng lợi ích thì rất nhiều.

Nếu chỉ quanh quẩn trong những gì mình biết thì ta sẽ chẳng bao giờ học thêm được gì mới mà chỉ đang làm những cái đã biết, mà đã như vậy thì không thể tự hoàn thiện thêm nhiều góc cạnh của mình.

Từ trước đến giờ chỉ chụp ánh sáng tự nhiên? Thử chụp studio xem.
Chỉ quen chụp mẫu người thân? Thuê mẫu chuyên nghiệp chụp thử một lần.
Chỉ chụp ảnh chân dung bình thường? Bắt đầu một dự án phức tạp đòi hỏi phải phối hợp nhân sự và chuẩn bị kỹ lưỡng trong thời gian dài.

Thích nghi và tự thách thức chính mình bằng những dự án mới đầy khó khăn đi. Nghiền nát sự sợ hãi trong đáy lòng và học mọi thứ bạn muốn một cách tham lam đi.

Xét cho cùng thì chúng ta có gì để mất? Dù thành công hay thất bại đều rút ra được những kiến thức và kinh nghiệm mới. Miễn là cái thử thách không hoàn toàn nằm ngoài tầm với, những mục tiêu ngắn hạn ta đặt ra bao giờ cũng phải cụ thể, đong đếm được, có thể đạt được và thiết thực. Nhớ quẳng sự cầu toàn ở trên đi khi thử những cái mới!

9. Hợp tác và kết bạn

Chẳng ai có thể thành công một mình mà không có bạn. Sự hợp tác cùng mối quan hệ thực sự với những người bạn trong giới nhiếp ảnh có một sức mạnh rất lớn. Phải nói thời gian gần đây tôi rất may mắn khi gặp được nhiều người tốt giúp mình rất nhiều. Cứ tưởng văn hóa phương Tây tôn sùng chủ nghĩa cá nhân nhưng họ mới là những người làm việc nhóm, nhiệt tình và hợp tác tốt hơn ai hết. Dìm hàng, ghen ăn tức ở, sợ nó nổi hay cướp hết công của mình là cái bệnh lớn người Việt ta hay mắc hơn.

Bản thân tôi thích kết bạn với những người có một/hay nhiều tính cách kể trên: đam mê, sáng tạo, mạnh mẽ, cầu tiến… Chúng tôi truyền cảm hứng và ý tưởng cho nhau để cùng phát triển. Tôi giúp bạn khi khó khăn, bạn giúp tôi khi tôi cần. Nếu bạn muốn kết bạn với Blog Designer ? Dễ thôi, ngay trên website này có nhiều chỗ để bạn tìm thấy tôi.

10. Nghỉ

Nếu bạn đã cố gắng đọc cái bài dài ngắc ngoải này của tôi đến tận đây thì tôi đoán đam mê nhiếp ảnh của bạn chắc chắn không phải ít. Mà đã là đam mê thì đừng biến nó thành gánh nặng. Đừng cố làm tất cả mọi việc cùng một lúc. Chán nản và mất cảm hứng là chuyện bình thường và hãy để nó trôi qua một cách tự nhiên. Nghỉ ngơi, sống cho thoải mái với những thú vui khác, cân bằng lại cuộc sống. Áp lực khi được kiểm soát đúng đắn sẽ mang lại động lực phấn đấu, còn nếu xử lý không tốt thì sẽ đưa ta vào vòng xoáy tự hủy hoại bản thân. Tập nói không với những thứ mình không muốn và đừng cảm thấy có lỗi gì cả. Rồi chẳng mấy chốc ta sẽ lại thấy nhớ ảnh da diết thôi. Còn nếu không thấy cảm giác nhớ nhung bồn chồn gì thì bạn biết mình phải làm gì rồi đấy.
-Tổng hợp-​
Làm thế nào để có những tác phẩm nhiếp ảnh đẹp ? Reviewed by Unknown on 06:30 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Phát triển bởi iZdesigner Team

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.