.

Làng cổ Đường Lâm - Sơn Tây, Hà Nội

Nằm cách thủ đô Hà Nội chừng 47 km về phía Tây, cách trung tâm hành chính Thị xã Sơn Tây 5 km. Làng cổ Đường Lâm là sự quy tụ của 5 thôn trong tổng số 9 thôn của xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây là: thôn Mông Phụ, Cam Thịnh, Đông Sàng, Đoài Giáp và Cam Lâm với diện tích tự nhiên của Làng cổ khoảng 800,25 ha, dân số hơn 8000 người.



Đường Lâm là đất địa linh nhân kiệt, sinh ra hai vị vua - hai vị anh hùng dân tộc là Bố Cái Đại vương Phùng Hưng (?-789) và Ngô Quyền (898-944). Phùng Hưng là người có công lao to lớn trong sự nghiệp chống lại ách đô hộ của nhà Đường thế kỷ thứ VIII. Ngô Quyền đã chỉ huy đánh tan giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng, kết thúc trọn vẹn cuộc đấu tranh giải phóng, giành độc lập tự chủ cho đất nước vào năm 938, mở đầu cho kỷ nguyên phong kiến độc lập tự chủ trong lịch sử Việt Nam.


Qua hai cánh cổng làng đã bạc màu sương gió, nằm dưới bóng một cây đa khổng lồ đã 300 năm tuổi, là những ngõ xóm, đường làng, mái ngói, tường đá ong và các công trình kiến trúc cổ xưa trong một không gian sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc của một làng thuần nông và dấu ấn của một nền văn minh lúa nước.


Người phương xa đến đây dễ nhận ra nét đặc sắc của làng cổ Đường Lâm, đó chính là những ngôi nhà gỗ với tường xây bằng đá ong, nằm trong các khuôn viên có tường bao cũng bằng đá ong và đường làng lát gạch nghiêng chạy giữa những bức tường ấy...


Các chi tiết làm nên" linh hồn" của nhà cổ gồm có tường đá ong, cổng đá ong, lối đi lát gạch nghiêng, bậu cửa cao và gian thờ tổ tiên.


Những ngôi nhà nằm ẩn mình và phủ màu rêu phong trên bề mặt những viên ngói mũi ri, tạo nên hình thù võng lưng (giống lưng con lợn ỉn của Bắc Bộ ngày xưa). Gắn liền với nhà là sân, vườn, bếp, nhà ngang, giếng nước, chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm, bình phong, ao, cây rơm và chiếc cổng có mái che gắn với cái tay nắm xoay tròn.


Những ngôi nhà ấy được xây cất bằng các loại vật liệu truyền thống của xứ Đoài như: đá ong (cấu tạo lên các bức tường, bảo đảm cho nhà mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông), tre, gỗ xoan, nứa, gạch đất nung, đất nện, trấu, bùn, mùn cưa, vôi, cát, sỉ, rơm rạ. Nhà nào có kinh tế khá giả thì dùng chất liệu gỗ tứ thiết (đinh – lim – sến – táu).


Nhà được bố trí kiến trúc 5 hàng chân, với mô hình 5 gian hay 7 gian 2 dĩ; hệ thống ngách, cửa bức bàn hoặc cánh phố. Trần nhà thường gác cái thước “lỗ ban” nơi câu đầu, xà nóc có khắc niên đại; các bức thùng, vòm cửa là nơi được khắc nhiều hoa văn trang trí tỉ mỉ. Gian giữa, chiếm nhiều diện tích, là nơi bố trí ban thờ tổ tiên.

Gắn liền với đó là các bộ hoành phi, câu đối, tranh ảnh cổ, các bộ đồ thờ, những kỷ vật của các bậc tiền nhân, phía dưới đặt bộ phản để ngồi. Ngoài ra còn có thêm bộ trường kỷ. Trên bàn hầu như nhà nào cũng có chiếc ấm tích ủ nước chè xanh mời khách hoặc đôi khi là chiếc điếu bát, điếu ống tre để hút thuốc lào.


Cổng nhà hình quai giỏ, mềm mại về đường nét và vững chắc nhờ vật liệu đá ong. Nhà quan lại thường có vòng cửa mặt hồ phù, phía trên đắp hình long, ly, quy, phượng hay lưỡng long chầu nguyệt. Mỗi ngôi nhà là một đồ gia bảo, là lịch sử, văn hoá và cũng là nơi thờ tự thiêng liêng của mỗi dòng họ.

Những khuôn cửa bức bàn già nua, khi thường kẽo kẹt khép lại thế giới riêng, mỗi khi có việc lại được ngả ra làm bàn
Các ngôi nhà trong làng đều có kiểu nội tự - ngoại khách, sân nhà thấp hơn mặt đường, vào những ngày mưa, nước từ ngoài dồn vào trong sân (tụ thủy sinh tài) rồi mới chảy thoát ra đường cống.


Đường ngõ trong làng đều là ngõ cụt để đề phòng trộm cướp; nhà nào cũng có cửa bí mật và đường tắt ra sân đình. Do khai thác tốt độ dốc, lại không có nhiều nghề phụ nên đường đi lối lại ở Đường Lâm rất sạch sẽ và phong quang.

Nét riêng nhất chính là kiến trúc làng: những ngả đường hình xương cá gồm một trục đường chính với rất nhiều ngõ nhỏ thông với nhau, người làng đi đằng nào cũng về đến nhà và trộm chạy đằng nào rồi cũng bị bắt (vì khi có động, tráng đinh cả làng ùa ra, ngay lập tức gặp nhau ở một chỗ).


Một lần đi trên con đường làng vắng vẻ, hai bên có những dãy tường đá ong loang lổ vết rêu và các cổng nhà khép kín, bầu không khí nơi đây lại có chút gì tư lự và mơ hồ, để khi về sao nhung nhớ quá cái màu thổ hoàng của tường đá ong rực lên trong nắng chiều xứ Đoài...

Nghề làm tương ở Đường Lâm có từ thời xa xưa và mỗi nhà đều có một vài vại tương phơi ngoài sân.



Ngoài ra, Đường Lâm còn có hệ thống nhà thờ họ, miếu, quán, giếng cổ, ngõ; kèm theo đó là hệ thống cảnh quan môi trường sinh động với 36 gò đồi, 18 rộc sâu, 49 ao, hồ, vũng, chuôm, hàng chục cây cổ thụ gồm: đa, đề, si, ruối, trong đó nổi bật là rặng ruối cổ gồm 29 cây ở khu vực đền – lăng Ngô Quyền. Tương truyền, nơi đây, vua Phùng Hưng và Ngô Quyền đã buộc voi, ngựa chiến. Những thửa ruộng, gò, đồi bãi mấp mô cực kỳ sinh động và hấp dẫn những nhiếp ảnh gia khi mùa vàng đến, hay lúa, ngô đương thì “con gái” với màu xanh mướt mượt mà.



Đường Lâm là làng cổ đầu tiên ở nông thôn trong cả nước được xếp hạng di tích quốc gia. Làng cổ ở Đường Lâm là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong đời sống văn hóa của Đảng bộ, nhân dân Đường Lâm và thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, quần thể di tích Làng cổ Đường Lâm hiện bị xuống cấp rất cần được bảo tồn, tôn tạo.
Làng cổ Đường Lâm - Sơn Tây, Hà Nội Reviewed by Unknown on 05:30 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Phát triển bởi iZdesigner Team

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.