.

Etching - Kỹ thuật khắc axit trong nghệ thuật tranh in

Etching - Kỹ thuật khắc axit trong nghệ thuật tranh in
Etching – kỹ thuật khắc axit là một trong những kỹ thuật khắc lõm (intaglio) của nghệ thuật đồ họa tranh in.Đây là kỹ thuật sử dụng những can thiệp bằng hóa chất nhằm tạo ra những đường rãnh sâu trên bản khắc kim loại để tạo thành mẫu in. Sau khi áp dụng mực trên những mẫu in này, ta sẽ có những tác phẩm tranh in hoàn chỉnh.


Etching - Kỹ thuật khắc axit trong nghệ thuật tranh in
Bản khắc có dạng lộn trái so với tác phẩm in

Một bản khắc etching trên chất liệu đồng và tác phẩm sau khi hoàn thành

Bên cạnh kỹ thuật khắc chạm trổ (engraving), etching là một trong những kỹ thuật quan trọng bậc nhất của tranh in truyền thống vẫn được sử dụng rộng rãi ngày nay trong đồ họa tạo hình.

Kỹ thuật cơ bản
Trong kỹ thuật khắc axit thuần túy, vật liệu để chế tác mẫu khắc là một tấm kim loại (thông thường là đồng, kẽm, thép) được làm sạch, gia công các góc.

Quá trình khắc etching cơ bản gồm có các bước sau:

- Bước 1: Tạo lớp chống axit : Phủ bề mặt tấm kim loại với các vật liệu trơ với axit như sáp, vecni,…
- Bước 2: Tạo hình bản in: Một cây kim khắc etching chuyên biệt sẽ được sử dụng để cạo đi lớp sáp, làm lộ bề mặt kim loại theo những đường nét mong muốn của bản khắc.

Sau khi phủ lớp chống axit lên bề mặt tấm kim loại, người nghệ sỹ sử dụng cây kim khắc để tạo hình bằng cách cạo đi lớp bảo vệ, những đường khắc này sau đó sẽ bị ăn mòn khi bản khắc được nhúng vào bể axit.

- Bước 3: Khắc axit:
Các tấm kim loại sau đó được nhúng vào một bể axit, với tên gọi kỹ thuật là mordant (chất cẩn màu), axit sẽ ăn mòn bề mặt kim loại đã bị cạo mất lớp bảo vệ, để lại những rãnh chìm đúng như chủ ý của người nghệ sỹ.

Sau khi các rãnh này có độ sâu vừa đủ, tấm kim loại sẽ được lấy ra, phần che phủ chống axit còn lại lúc này sẽ được tẩy đi hết và ta có một mẫu khắc kim loại hoàn chỉnh

- Bước 4 : Chuẩn bị mẫu in
Mực được phủ đều lên tấm kim loại vừa được khắc.

Bề mặt bản khắc lại được lau sạch một lần nữa, và chỉ còn lại mực trong những đường rãnh tạo bởi quá trình khắc axit. Đôi khi, mực cũng được giữ lại ở toàn bộ bề mặt để tạo màu nền trước khi in các đường nét chính từ các rãnh khắc.

Mực được phủ đều lên bản khắc ...

Bản khắc sẽ sẵn sàng để in sau khi mực được lau đi

- Bước 5: In
Bản khắc cuối cùng được đưa vào một máy in áp suất cao, tại đó giấy (thường được làm ẩm để giấy mềm hơn) sẽ được ép chặt và bản khắc và hút mực từ những rãnh khắc và tạo ra bản in.

Chiếc máy in etching mini

Quy trình này có thể được lặp lại nhiều lần, thông thường một mẫu khắc có thể tạo ra vài trăm bản in trước khi các tấm này bị hao mòn và trở nên kém chất lượng. Trên một mẫu khắc kim loại, toàn bộ quá trình khắc axit và in cũng có thể lặp lại hoàn toàn, nhờ vậy mà ta có thể có những tác phẩm etching tồn tại hàng trăm năm.

Đặc điểm
Do sử dụng kỹ thuật in, bản khắc phải được thiết kế lộn trái một cách chính xác với thiết kế mong muốn.

Chất liệu để phủ lên bề mặt kim loại ban đầu tạo lớp chống axit thường là các loại sáp mềm. Vì vậy, so với kỹ thuật chạm trổ (engraving) đòi hỏi các kỹ năng gia công, làm việc trực tiếp trên bề mặt kim loại cứng thì kỹ thuật khắc axit etching dễ dàng tiếp cận và khai thác hơn chỉ với đường nét như từ góc độ hội họa.

Kể từ khi được áp dụng như một kỹ thuật trong nghệ thuật tranh in vào đầu thế kỷ XVI, etching đã phát triển nhiều phương pháp xử lý mức độ ăn mòn của axit.

Sau đây mời các bạn cùng iZdesigner tìm hiểu một số phương pháp nổi bật với những hiệu ứng riêng biệt.

1. Phương pháp dùng chất liệu phủ mềm (soft-ground etching)
Với vật liệu chống axit kém khô, lớp phủ bề mặt kim loại trong phương pháp này khá mềm, dễ chịu tác động, tạo thuận lợi cho việc tạo hình, đặc biệt là những đường nét có tính mềm mại. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả để tạo hiệu ứng cho tác phẩm giống như được vẽ bởi phấn hay màu sáp.


Đặc biệt, soft – ground etching còn cho phép nghệ sỹ có một số áp dụng đặc biệt từ những chiếc lá (dương xỉ với kết cấu cân xứng tuyệt đẹp – thường là lựa chọn số một ), hoa, dấu vân tay để có những tạo hình đặc biệt.

Bản khắc và tác phẩm in cuối cùng của một thiết kế khai thác hình ảnh của lá dương xỉ.

Nếu không xử lý trên bản khắc, chi tiết hoa, lá có thể được thêm vào bằng cách nhuộm màu riêng và đặt đè lên bản khắc trong bước in cuối cùng


2. Phương pháp xử lý bề mặt bằng chất liệu phủ cứng (hard-ground etching)
Trong phương pháp này, vật liệu chống axit tạo lớp phủ là sáp dày (có thể nung ở nhiệt độ cao để tạo độ cứng sau khi đã tạo hình) hoặc dung dịch hóa chất có đặc tính đông đặc khi tiếp xúc với không khí. Phương pháp này đạt hiệu quả cao trong những thiết kế bản khắc có rãnh sâu, với những đường nét dứt khoát, tạo hiệu ứng sắc nét, nổi bật cho tác phẩm.

Một bức tranh tĩnh vật đơn giản nhưng đặc biệt thu hút bởi các đường nét phóng khoáng từ phương pháp hard - ground

Phương pháp này có thể biến tấu cả trong tác phẩm trừu tượng với sự bổ trợ của phương pháp sugar - lift etching

3. Phương pháp ăn mòn phun (spit bite)
Khác với các phương pháp khác của etching chỉ đơn giản là phủ, vẽ rồi axit hóa, spit bite có sử dụng sơn màu (phổ biến là acrylic) hoặc tạt axit trực tiếp lên bề mặt bản khắc. Điều này đem lại hiệu ứng cho tác phẩm tương tự như kỹ thuật rửa màu trong những bức vẽ với màu nước.

Tác phẩm “The trees are listening” với cách xử lý khá "ma mị" từ ăn mòn phun spit bite

Khung cảnh mờ mịt khói lửa chiến trường được tái hiện hoàn hảo với phương pháp Coffee lift (tráng bề mặt mẫu khắc ban đầu bằng cà phê) và spit bite trên nhôm

4. Phương pháp ăn mòn tự do (open bite)
Đây là một phương pháp tạo hình khá mạo hiểm, trong đó, một phần không nhỏ bề mặt của tấm kim loại chịu tác dụng trực tiếp của axit mà không có bất cứ một lớp che phủ nào.

Tác phẩm mang tên “North”với hiệu ứng hút mắt từ các đường cong sống động

Tác phẩm "Chaos" đầy cảm xúc

Hiệu quả mà sự ăn mòn tự do này đem lại cho tác phẩm nằm ở sự tự nhiên, không gò ép, đem lại ấn tượng về sự vận động rất tự nhiên của những đường nét trong tác phẩm

"Horses" - sự kết hợp của open bite và sugar lift etching

5. Aquatint
Aquatint là phương pháp sử dụng nhựa thông trên bề mặt kim loại trước khi phủ lớp chống axit bằng véc ni. Phương pháp này cho phép các nghệ sỹ nâng cao độ tinh tế và mượt mà cho tác phẩm bằng sự chuyển tông đậm nhạt trong tác phẩm – điều mà các phương pháp xử lý bằng sáp, hay dung dịch chống axit thông thường khó thực hiện được.

“Pornocrates” của Félicien Rops, 1878, một trong những tác phẩm aquatint etching xử lý nhiều bản khắc đầu tiên

6. Sugar lift
Đây là phương pháp thiết kế đặc biệt với chất liệu đặc và kết dính như dung dịch đường hay cà phê (được ưa chuộng nhất là Camp Coffee) được sơn lên bề mặt kim loại trước khi che phủ lớp chống axit. Tấm kim loại sau này sẽ được ngâm trong nước nóng, lớp đường dưới tác dụng nhiệt bị tan chảy dần và làm lộ hình ảnh đã được in khắc ở mặt kim loại bên dưới với hiệu ứng còn sót lại từ lớp tráng đường.

Dù không phải là một phương pháp tối ưu đảm bảo độ chính xác cao nhưng thành phẩm cuối cùng luôn ẩn chứa những hiệu quả bất ngờ.

Tác phẩm "Float" của Sonomi Kobayashi, 2013, kết hợp sugar lift và aquaint cho từng bản khắc với nhiều lớp etching

Sự ra đời của kỹ thuật etching
Từ thời Trung cổ tại Châu Âu, kỹ thuật khắc axit đã được sử dụng rộng rãi bởi thợ vàng và thợ gia công kim loại để trang trí súng, huy hiệu, áo giáp, thậm chí cả ly tách và đĩa. Những họa tiết etching xuất hiện đầu tiên trên hoa văn trang trí tinh xảo trên áo giáp ở Đức được cho là kỹ nghệ du nhập từ Ý trong khoảng cuối thế kỷ XV – sớm hơn một chút so với sự ra đời của etching như một kỹ thuật trong nghệ thuật đồ họa tranh in.

Cho đến ngày nay, kỹ thuật khắc axit thuần túy vẫn được áp dụng trong nhiều loại hình thủ công mỹ nghệ với kim loại cũng như thủy tinh


Quy trình khắc axit áp dụng cho tranh in được cho là phát minh của Daniel Hopfer (1470 – 1536), một nghệ nhân trang trí áo giáp, với những thử nghiệm đầu tiên trên các bản khắc sắt. Sau này, với việc sử dụng đồng làm bản khắc bắt đầu từ Ý, kỹ thuật etching nhanh chóng phát triển mạnh mẽ, thách thức vị trí của phương thức chạm trổ truyền thống (engraving).

Những bản khắc etching đầu tiên của nước Đức, hiện đang được trưng bày tại bảo tàng British Museum


Một số biến thể của etching
Photo etching
Photo etching là một quy trình hiện đại chế tác bản khắc cho các bức ảnh từ phim, lấy cảm hứng từ nguyên lý “stop – out” (chặn một phần bề mặt nhất định khỏi tác động tạo hình) trong kỹ thuật khắc axit của nghệ thuật tranh in. Trong quy trình này, tương tự như việc lợi dụng quá trình bị ăn mòn bởi axit của kim loại, những tấm polyme nhạy cảm với ánh sáng được khai thác và cho ra đời công nghệ khắc ảnh chân thực (photorealistic etching).

Tấm phim với chất liệu polyme quang cảm ứng đặc biệt được ép lên tấm kim loại làm bản khắc. Sau một số công đoạn gia công như làm ẩm, sấy khô, tấm kim loại được đặt trong máy chiếu sáng chuyên biệt dành chophoto etching. Dưới tác động của tia cực tím, ta có thể thấy trên miếng phim dần xuất hiện hình ảnh cần in dưới dạng âm bản. Khi quá trình quang khắc kết thúc, miếng phim sẽ được dỡ ra khỏi tấm kim loại, lúc này đã là một bản khắc hoàn chỉnh với những đường lõm chính xác . Bản khắc sau đó được ngâm trong những dung dịch rửa ảnh đặc biệt, trước khi tiếp tục được chiếu sáng để hoàn thiện các đường nét.

Khi bản khắc đầu tiên hoàn thành, nó có thể được sử dụng ngay để in tác phẩm lên giấy (với các phương pháp xử lý giống như trong nghệ thuật tranh in) hoặc bản khắc này có thể được sử dụng như một tấm nền chìm cho những bản khắc khác chồng lên bất kể lớp khắc tiếp theo vẫn là quang khắc từ phim hay sử dụng những kỹ thuật gia công khắc (khắc axit etching, chạm trổ engraving).

Chính đặc điểm này khiến photo etching trở thành một kỹ thuật linh hoạt trong nghệ thuật mixed media cho phép các nghệ sỹ có thể biến tấu, hòa trộn nhiều phương pháp tạo hình, xử lý của nhiếp ảnh, hội họa, điêu khắc vào trong một tác phẩm.

Photo etching với phương pháp xử lý ăn mòn kiểu phu (spit bite)

Hiệu quả của phương pháp ăn mòn tự do (open bite) trong photo etching

Sự hòa trộn quyến rũ của photo etching và hội họa

Etching sáp màu (Crayon etching)
Etching với sáp màu là một loại hình sáng tạo nghệ thuật mới trong hội họa, tận dụng đặc tính (nhiều dầu, dễ cạo khỏi bề mặt) của mực nước và màu sáp dầu. Sự bóc tách, kém hòa trộn của hai loại chất liệu này khi chồng lên nhau đem lại hiệu ứng thị giác đầy bất ngờ của với những tương phản gay gắt trong nhiều lớp màu.

Để áp dụng khắc kỹ thuật khắc sáp màu, bức tranh vẽ bằng màu sáp sau khi hoàn thành sẽ được phủ một lớp mực nước

Một chiếc bút nhọn đầu được sử dụng để cạo đi lớp mực đen theo những đường nét nhất định tạo hoa văn

Một bức tranh khắc sáp màu hoàn thiện

Etching với acrylic
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ laser trong kỹ thuật in, etching đã tìm thấy cho mình một cách biểu hiện mới trong chất liệu acrylic. Các sản phẩm từ nguyên lý khắc in của etching giờ không chỉ được tìm thấy ở mỗi những bản in phẳng trên giấy mà còn được ứng dụng trong nhiều thiết kế đồ họa tạo hình 3D và cả những sản phẩm ứng dụng thực tế.

Acrylic etching kết hợp với hiệu ứng ánh sáng tinh tế đem lại ấn tượng mạnh mẽ cho tác phẩm

Với 9 tấm acrylic etching xếp chồng lên nhau, tác phẩm đem lại những trải nghiệm thị giác độc đáo

Một chiếc bàn từ acrylic đơn giản nhưng vẫn không kém phần thu hút với những điểm nhấn từ các đường khắc acrylic

Sử dụng nhiều bản khắc (Multi-plate etching)
Mặc dù chỉ với một bản khắc sử dụng phương pháp aquatint, ta đã có thể tạo nên những tông màu với nhiều sắc độ đa dạng, tuy nhiên chắc chắn vẫn có những tác phẩm đòi hỏi việc khai thác nhiều màu sắc thật triệt để. Cách duy nhất để tạo nên những tác phẩm aquatint đa sắc là sử dụng nhiều bản khắc (muli-plate etching)


Đây là phương pháp khắc những bản in riêng biệt cho mỗi màu và in chồng lên nhau một cách chính xác. Điều đó có nghĩa là thay vì chỉ khắc một lần cho một mẫu in như phác họa hoàn chỉnh một bức tranh, thì kỹ thuật khắc nhiều bản này yêu cầu mỗi bản chỉ chứa một phần nhất định trong tổng thể tác phẩm. Công đoạn thiết kế vì vậy phát sinh thêm nhiều rất nhiều bước đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuẩn xác cao, nhưng đổi lại kết quả đạt được sau in khắc thành công thì vô cùng ấn tượng.

Etching - Kỹ thuật khắc axit trong nghệ thuật tranh in Reviewed by Unknown on 05:50 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Phát triển bởi iZdesigner Team

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.